Dâm ô là gì? Hành vi dâm ô trẻ em bị xử lý hình sự như thế nào?

Hiện nay, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Trong thời gian qua, những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chưa bao giờ dừng lại và những con số liên quan đến những hành vi này cũng chưa bao giờ đáng báo động đến thế. Một trong những hình thức xâm hại tình dục trẻ em phổ biến hiện nay là hình thức dâm ô. Vậy dâm ô là gì? Hành vi dâm ô trẻ em bị xử lý hình sự như thế nào theo pháp luật Việt Nam. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Dâm ô là gì – Hình minh họa

1. Dâm ô là gì?

Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là hành vi nguy hiểm cho xã hội có sự tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục xâm phạm nhân phẩm, danh dự người dưới 16 tuổi, do người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện một cách cố ý.

2. Dấu hiệu pháp lý của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

2.1. Khách thể

Tội phạm xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý của người dưới 16 tuổi.

Đối tượng tác động của Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là người dưới 16 tuổi.

2.2. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Theo đó, hành vi dâm ô đã được giải thích theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, cụ thể như sau:

“Dâm ô là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:

1. Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

2. Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi…) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

3. Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát…) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

4. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm…) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

5. Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy… của người dưới 16 tuổi).”

2.3. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và mong muốn thực hiện hành vi đó. Người phạm tội có thể biết hoặc không biết tuổi thật của nạn nhân, nhưng vẫn thực hiện hành vi dâm ô.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm là người đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo đó, chủ thể của Tội dâm ô người dưới 16 tuổi có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, nghĩa là chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm trách nhiệm hình sự về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. 

3. Hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi bị xử lý hình sự như thế nào?

Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Từ quy định trên có thể thấy, tùy vào tính chất, mức độ, những tình tiết định khung tăng nặng khác nhau mà người phạm tội có thể bị áp dụng các khung hình phạt khác nhau.

Tuy nhiên, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP cũng quy định tại khoản 1 Điều 5 về các trường hợp loại trừ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…).

– Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…).

4. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

– Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Trên đây là một số phân tích quy định của pháp luật Việt Nam về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ khó khăn hay vướng mắc gì hãy liên hệ với chúng tôi theo số Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728 để được tư vấn và báo giá chi tiết nhất từ chúng tôi.

Công ty Luật Quốc tế DSP với đội ngũ Luật sư và Chuyên gia pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm. Chúng tôi tự hào vì những năm qua đã mang lại sự thành công cho nhiều khách hàng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực….

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc  089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam 

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!

 

Bài viết liên quan

089 661 6767