Làm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn có được làm Giám đốc Công ty Cổ phần không?

Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nên rất nhiều doanh nghip được thành lập. Để thực hiện tốt công tác quản trị thì vai trò của Giám đốc – người quản lý, điều hành Công ty rất quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số câu hỏi được đặt ra rằng, làm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn có được làm Giám đốc Công ty Cổ phần không? Điều kiện, tiêu chuẩn nào để trở thành Giám đốc của các loại hình doanh nghiệp này. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này.

1. Quy định về Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1.1.    Thế nào là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên?

Theo quy định tại Điều 63 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc (sau đây gọi tắt là “Giám đốc”) Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là “là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”.

Theo đó, tại điểm đ khoản 2 Điều 55 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, ký và chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, mọi hoạt động của Giám đốc về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đều phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên. Giám đốc có thể là người được Hội đồng thành viên bổ nhiệm từ thành viên của Hội đồng thành viên hoặc là người được thuê theo hợp đồng lao động.

1.2.    Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Giám đốc với vai trò là người điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Công ty. Do đó, pháp luật đặt ra một số tiêu chuẩn nhất định dành cho cá nhân giữ chức vụ Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cụ thể quy định tại Điều 64 Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm các tiêu chuẩn và điều kiện như sau:

Thứ nhất, không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Các đối tượng này bao gồm:

– Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước;

– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng;

– Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của Công ty và điều kiện khác do Điều lệ Công ty quy định.

Thông thường, Giám đốc sẽ là người trực tiếp giám sát các hoạt động của công ty, từ khâu tuyển dụng nhân lực, điều hành chi phối, ký kết hợp đồng cũng như đưa ra các quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm,… Chính vì đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc, nên để nắm giữ được vị trí này, người đó buộc phải có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và đủ bản lĩnh,…

Thứ ba, đối với doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) và Công ty con của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), thì ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định trên, Giám đốc còn không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý Công ty, Kiểm soát viên của Công ty và của Công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty và Công ty mẹ.

Như vậy, để trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì cá nhân cần đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện nêu trên.

Quy định về Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên – Hình minh họa

2. Quy định về Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

2.1.   Thế nào là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên?

Theo khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thì: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu…”. Về bản chất:

– Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình:

+   Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; hoặc

+   Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

– Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Như vậy, trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân hay tổ chức làm chủ sở hữu thì mô hình nào cũng có chức danh Giám đốc. Theo đó, trên tinh thần khoản 1 Điều 82 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Giám đốc sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định cụ thể về khái niệm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên là người có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Ban hành các quy chế về nhân sự, tài chính, kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tổ chức,… của Công ty.

Bên cạnh đó, đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì Giám đốc chỉ có nhiệm kỳ 05 năm, được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty bổ nhiệm hoặc thuê. Và Chủ tịch Công ty, thành viên trong Hội đồng thành viên có thể kiêm nhiệm làm Giám đốc Công ty. Còn đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì Chủ tịch Công ty có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc Công ty và quyền, nghĩa vụ của Giám đốc Công ty sẽ được quy định trong hợp đồng lao động và Điều lệ Công ty.

2.2.     Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu thì tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc Công ty được quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

Thứ nhất, không thuộc vào các đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như đã trình bày ở mục 1.2 nêu trên.

Thứ hai, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của Công ty và điều kiện khác do Điều lệ Công ty quy định.

Mặc dù pháp luật không có điều khoản nào quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu như Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu. Nhưng về cơ bản, để có thể trở thành Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu thì cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tiên quyết nêu trên.

3. Quy định về Giám đốc trong Công ty Cổ phần

3.1.     Thế nào là Giám đốc Công ty Cổ phần?

Theo khoản 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Giám đốc Công ty Cổ phần “là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao”. Vị trí này do Hội đồng quản trị bổ nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc. Giám đốc Công ty Cổ phần có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Theo đó, Giám đốc điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của Công ty phải theo đúng quy định pháp luật, Điều lệ Công ty, hợp đồng lao động ký với Công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với các quy định mà gây thiệt hại cho Công ty thì Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại. 

3.2.    Tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Giám đốc Công ty Cổ phần

Hầu hết, để trở thành Giám đốc của một công ty, người đó cần phải đáp ứng đủ những tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của luật. Giám đốc Công ty Cổ phần cũng không ngoại lệ, tương tự như tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Giám đốc của những loại hình doanh nghiệp khác, về cơ bản Giám đốc Công ty Cổ phần vẫn phải đáp ứng những tiêu chuẩn và điều kiện sau:

– Không thuộc vào các đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 như đã trình bày ở mục 1.2 nêu trên.

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của Công ty.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì đối với công ty đại chúng; doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết) và Công ty con của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), thì ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện trên, Giám đốc còn không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý Công ty, Kiểm soát viên của Công ty và của Công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty và Công ty mẹ.

Quy định về Giám đốc trong Công ty Cổ phần – Hình minh họa

4. Làm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn có được làm Giám đốc Công ty Cổ phần không?

Trước đây, khoản 2 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.”. Căn cứ theo quy định này, thì một người nếu đang làm Giám đốc của một Công ty Cổ phần sẽ không được làm Giám đốc cho một Công ty Trách nhiệm hữu hạn.

Tuy nhiên, kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, thì điều khoản quy định về điều kiện làm Giám đốc Công ty Cổ phần nêu trên đã bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước không được kiêm Giám đốc của doanh nghiệp khác”, nên nếu một trong hai Công ty hoặc cả hai Công ty đều là loại hình doanh nghiệp Nhà nước, thì khi đó một người không thể đồng thời làm Giám đốc của hai Công ty.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không cấm một người đang làm Giám đốc của Công ty Cổ phần không được làm Giám đốc tại Công ty khác. Do đó, có thể xác định khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, Điều lệ Công ty và không có Công ty nào là doanh nghiệp Nhà nước thì Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn được đồng thời làm Giám đốc Công ty Cổ phần và ngược lại.

5. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2005;

Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Trên đây là bài viết của Công ty Luật Quốc tế DSP về vấn đề làm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn có được làm Giám đốc Công ty Cổ phần không? Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam 

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!

 

Bài viết liên quan

089 661 6767