Kết hôn với người nước ngoài là một trong những cầu nối để có thể kết nối và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và lối sống giữa những người không cùng quốc tịch là một trong những nguyên nhân đưa hôn nhân của họ đến bờ vực tan vỡ. Vậy, thủ tục ly hôn trong trường hợp này có phức tạp không? Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc những kiến thức cơ bản về thủ tục ly hôn với người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam mới nhất năm 2024 để thực hiện một cách nhanh chóng và tiết kiệm thời gian.
MỤC LỤC NỘI DUNG BÀI VIẾT:
1. Ly hôn với người nước ngoài là gì?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Ngoài ra, theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì: “Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”.
Từ các định nghĩa trên, có thể hiểu rằng ly hôn với người nước ngoài là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài một cách hợp pháp, tức là được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc chấm dứt quan hệ hôn nhân bởi bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Pháp luật áp dụng giải quyết ly hôn với người nước ngoài như thế nào?
Pháp luật điều chỉnh việc ly hôn với người nước ngoài sẽ có những khác biệt nhất định so với việc ly hôn giữa các cặp đôi có cùng quốc tịch. Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về luật áp dụng đối với trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
– Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
– Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
– Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
3. Ly hôn với người nước ngoài có cần sự đồng ý của cả hai vợ chồng hay không?
Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, như sau: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Như vậy, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không nhất thiết phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng, mà vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Khi đó, sẽ xảy ra 02 trường hợp là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
3.1. Thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Theo đó, Tòa án sẽ xem xét công nhận thuận tình ly hôn với người nước ngoài khi thỏa mãn 03 điều kiện sau:
– Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và cùng ký vào đơn thuận tình ly hôn;
– Hai bên đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con; và
– Sự thỏa thuận của vợ chồng dựa trên quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Trường hợp nếu không đáp ứng được một trong ba điều kiện trên thì Tòa án sẽ giải quyết theo hướng đơn phương ly hôn với người nước ngoài.
3.2. Đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Căn cứ vào Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì đơn phương ly hôn với người nước ngoài là ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng. Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì đơn phương ly hôn với người nước ngoài được quy định như sau:
– Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được; hoặc
– Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
– Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

4. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài?
Việc xác định chính xác cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn với người nước ngoài sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức của vợ, chồng. Vậy nên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, mà việc ly hôn với người nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của mỗi cơ quan khác nhau.
4.1. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam
– Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và khoản 2 Điều 29 của Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự thì những vụ việc về ly hôn sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
– Theo đó, đối với trường hợp đặc biệt là ly hôn với người nước ngoài, thì khoản 1 Điều 127, khoản 2 Điều 123 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cũng như điểm d khoản 1 Điều 469 và Điều 470 của Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự, đã quy định cụ thể rằng đối với vụ việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau cùng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết.
4.2. Thẩm quyền giải quyết theo cấp của Tòa án
– Đối với vụ việc ly hôn với người nước ngoài, trường hợp vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết.
– Đối với những trường hợp còn lại và đặc biệt là trường hợp ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết.
4.3. Thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án
– Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc tại Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự
– Trường hợp đơn phương ly hôn, thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc tại Việt Nam sẽ có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc tại Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc để giải quyết. Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn để giải quyết theo quy định tại Điều 39, Điều 40 của Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự
5. Thủ tục ly hôn với người nước ngoài được thực hiện theo trình tự như thế nào?
Thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận việc kết hôn hợp pháp. Như vậy, trong trường hợp vợ chồng đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định của Luật Hộ tịch năm 2014 trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.
5.1. Thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn với người nước ngoài bao gồm:
– Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ, chồng;
– Bản sao Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Thẻ tạm trú của vợ, chồng;
– Bản sao Giấy khai sinh của con;
– Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh về quyền sở hữu tài sản (nếu có);
– Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh về nợ chung của vợ chồng (nếu có);
– Tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về việc ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung của vợ, chồng là có căn cứ và hợp pháp;
– Những giấy tờ tài liệu khác theo yêu cầu của Tòa án (nếu có).
Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Bước 2: Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền
Bước 3: Sửa đổi, bổ sung hồ sơ ly hôn theo yêu cầu của Tòa án (nếu có)
Bước 4: Nộp tạm ứng lệ phí Tòa án và nhận thông báo về việc thụ lý việc dân sự
Bước 5: Tham gia hòa giải tại Tòa án
Bước 6: Nhận quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Khi tham gia hòa giải tại Bước 5 mà hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hòa giải đoàn tụ không thành. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến, thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên tòa khi có đầy đủ các điều kiện được được nêu tại Mục 3.1 của bài viết này.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hòa giải tại Tòa án mà không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được nêu tại Mục 3.1 của bài viết này thì Tòa án lập biên bản về việc hòa giải đoàn tụ không thành về những vấn đề hai bên không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con, đồng thời tiến hành mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn theo thủ tục chung.
5.2. Thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Hồ sơ yêu cầu đơn phương ly hôn với người nước ngoài bao gồm:
– Đơn khởi kiện ly hôn;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ/chồng có yêu cầu;
– Bản sao Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Thẻ tạm trú của vợ, chồng;
– Bản sao Giấy khai sinh của con;
– Bản sao các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh quyền tài sản (nếu có);
– Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh về nợ chung của vợ chồng (nếu có);
– Những giấy tờ, tài liệu khác theo yêu cầu của Tòa án (nếu có).
Lưu ý: Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Bước 2: Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền
Bước 3: Sửa đổi, bổ sung hồ sơ ly hôn theo yêu cầu của Tòa án (nếu có)
Bước 4: Nộp tạm ứng án phí và nhận thông báo về việc thụ lý vụ án
Bước 5: Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Bước 6: Tòa án mở phiên tòa xét xử và ban hành bản án sơ thẩm để giải quyết vụ án đơn phương ly hôn.
Sau khi Tòa án sơ thẩm ban hành bản án, nếu một trong các đương sự không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ bản án thì đương sự có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 479 Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự, như sau:
– Đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
– Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng, kể từ ngày tuyên án.
6. Thủ tục ly hôn với người nước ngoài diễn ra trong bao lâu?
6.1. Thời hạn giải quyết thuận tình ly hôn với người nước ngoài
Đối với trường hợp thuận tình ly hôn với người nước ngoài, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu ly hôn.
6.2. Thời hạn giải quyết đơn phương ly hôn với người nước ngoài
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn với người nước ngoài, thời hạn chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 02 tháng.
Như vậy, thời gian tính từ khi đương sự chuẩn bị hồ sơ ly hôn với người nước ngoài đến khi Tòa án công nhận thuận tình ly hôn hoặc xét xử và ban hành bản án có thể lên đến 03 tháng hoặc 07-08 tháng.
7. Dịch vụ hỗ trợ thực hiện thủ tục ly hôn với người nước ngoài của Công ty Luật Quốc tế DSP.
Là một trong những Công ty Luật uy tín, chuyên nghiệp hàng đầu, Công ty Luật Quốc tế DSP cung cấp các dịch vụ:
– Tư vấn về điều kiện, trình tự, thủ tục thuận tình ly hôn với người nước ngoài;
– Tư vấn về điều kiện, trình tự, thủ tục đơn phương ly hôn nhanh với người nước ngoài;
– Tư vấn thủ tục ly hôn nhanh với người nước ngoài;
– Soạn thảo đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn với người nước ngoài;
– Soạn thảo đơn khởi kiện về việc ly hôn với người nước ngoài;
– Hướng dẫn khách hàng chuẩn bị hồ sơ pháp lý liên quan đến ly hôn với người nước ngoài;
– Tư vấn, đại diện và/hoặc cử Luật sư tham gia bảo vệ, giải quyết tranh chấp khi ly hôn với người nước ngoài.
8. Căn cứ pháp lý
– Văn bản hợp nhất số 24/VBHN-VPQH Bộ luật Tố tụng dân sự
– Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về Thủ tục ly hôn với người nước ngoài mới nhất năm 2024. Để hiểu rõ hơn về những quy định trên cũng như những vấn đề liên quan đến Thủ tục ly hôn với người nước ngoài, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:
Điện thoại: 0236 222 55 88
Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728
Email: info@dsplawfirm.vn
Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn
Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA
Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!