Cơ sở tôn giáo bị Nhà nước thu hồi đất có được bồi thường không?

Thu hồi đất là một trong những vấn đề đất đai được nhiều người quan tâm. Theo thống kê, hiện nay có tới 70 – 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai mà trong đó đa số là khiếu kiện do thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cơ sở tôn giáo là một trong những người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Vậy, cơ sở tôn giáo có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất? Nếu có, thì cần đáp ứng những điều kiện gì? Những khoản bồi thường nào cơ sở tôn giáo sẽ nhận được khi Nhà nước thu hồi đất? Trong phạm vi bài viết, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ gửi tới Quý bạn đọc vấn đề về bồi thường khi cơ sở tôn giáo bị Nhà nước thu hồi đất.

1. Khái quát chung

1.1. Cơ sở tôn giáo là gì?

Theo khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:

Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo”.

Như vậy, cơ sở tôn giáo là người sử dụng đất đồng thời phải là tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động (hay còn gọi là hoạt động hợp pháp). Nếu tổ chức tôn giáo đó mặc dù tồn tại nhưng không được Nhà nước cho phép hoạt động thì đất của tổ chức tôn giáo đó không được Nhà nước công nhận là đất cơ sở tôn giáo.

1.2. Nhà nước thu hồi đất là gì?

Theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:

Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”.

Như vậy, thu hồi đất là việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất vì các lý do khác nhau như: mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai hay chấm dứt việc sử dụng đất ở những nơi có nguy cơ đe dọa tính mạng con người,…

Nhà nước thu hồi đất là gì? – Hình minh họa

1.3. Bồi thường về đất là gì?

Theo khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau:

Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất”.

Như vậy, bồi thường về đất là một trong những hệ quả Nhà nước thực hiện khi thu hồi đất, nhằm tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống, từ đó giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và người có đất bị thu hồi.

2. Nguyên tắc bồi thường về đất khi cơ sở tôn giáo bị Nhà nước thu hồi đất

Theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, thì cơ sở tôn giáo được Nhà nước bồi thường về đất khi thu hồi đất theo nguyên tắc sau:

– Cơ sở tôn giáo đáp ứng đủ các điều kiện được bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

– Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, cơ sở tôn giáo cần nắm rõ các nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

3. Cơ sở tôn giáo có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất?

Cơ sở tôn giáo có được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất? – Hinh minh họa

3.1. Đối với cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp

– Điều kiện được bồi thường:

Theo khoản 2 Điều 75, khoản 3 Điều 78 Luật Đất đai năm 2013, khoản 1 Điều 5 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất quy định:

“a) Đối với đất nông nghiệp sử dụng trước ngày 01/07/2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) có nguồn gốc không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất do được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai;

b) Đối với đất nông nghiệp sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại để tính bồi thường thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này”.

Theo đó, để cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 01/07/2004 được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện được bồi thường sau:

– Nguồn gốc đất không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất do được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; và

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà chưa được cấp.

Còn đối với đất nông nghiệp mà cơ sở tôn giáo đang sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).

– Phương thức bồi thường và mức bồi thường:

+ Phương thức bồi thường:

(1) Bồi thường bằng tiền; hoặc

(2) Bồi thường bằng đất, trong trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, nếu cơ sở tôn giáo còn có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích chung của cơ sở tôn giáo thì được Nhà nước giao đất mới tại nơi khác và việc giao đất mới tại nơi khác phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Mức bồi thường: Mức bồi thường được xác định theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất;

Trường hợp cơ sở tôn giáo không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) thì chi phí được xác định theo Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP gồm:

(1) Chi phí san lấp mặt bằng;

(2) Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

(3) Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

(4) Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Lưu ý: Để có cơ sở xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất cần phải có đủ:

+ Hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.

+ Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

3.2. Đối với cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất phi nông nghiệp

– Điều kiện được bồi thường:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 75, khoản 5 Điều 81 Luật Đất đai năm 2013, khoản 2 Điều 5 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, thì cơ sở tôn giáo được bồi thường về đất khi đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đối với đất phi nông nghiệp sử dụng trước ngày 01/07/2004 mà không phải là đất có nguồn gốc do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;

+ Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 của Luật Đất đai năm 2013.

– Phương thức bồi thường và mức bồi thường:

+ Phương thức bồi thường:

(1) Bồi thường bằng tiền; hoặc

(2) Bồi thường bằng đất, trong trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích mà diện tích đất còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, nếu cơ sở tôn giáo còn có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích chung của cơ sở tôn giáo thì được Nhà nước giao đất mới tại nơi khác và việc giao đất mới tại nơi khác phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Mức bồi thường: Tương tự như đất nông nghiệp, thì mức bồi thường đối với cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất phi nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất được xác định theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất;

Trường hợp cơ sở tôn giáo không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có) thì việc  xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại để được bồi thường tương tự như Mục 3.1 nêu trên.

Như vậy, phụ thuộc vào loại đất là đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp, thời điểm sử dụng đất, nguồn gốc đất để xác định khi bị Nhà nước thu hồi đất, cơ sở tôn giáo có được bồi thường hay không.

4. Cơ sở pháp lý

Luật Đất đai năm 2013.

– Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về vấn đề cơ sở tôn giáo bị Nhà nước thu hồi đất thì có được bồi thường hay không? Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!

Bài viết liên quan

089 661 6767