Con riêng có được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế không?

Con riêng có được hưởng di sản thừa kế của cha dượng mẹ kế không? – Hình minh họa

Thừa kế không còn là vấn đề quá xa lạ đối với chúng ta nhưng việc hiểu biết về pháp luật thừa kế hiện nay nhìn chung vẫn còn hạn chế, đặc biệt khi pháp luật đã có nhiều thay đổi nhằm điều chỉnh các mối quan hệ thừa kế khác nhau cho phù hợp, trong đó có quan hệ thừa kế giữa con riêng với cha dượng, mẹ kế. Vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam thì con riêng có được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế không? Sau đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ giải đáp thông qua bài viết dưới đây:

1. Một số khái niệm liên quan

1.1. Di sản là gì?

Theo quy định tại Điều 612 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

1.2. Người thừa kế là gì?

Theo quy định tại Điều 613 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

1.3. Con riêng là gì?

Con riêng được hiểu là con của một bên vợ hoặc chồng với người khác. Tức là trước khi người vợ hoặc người chồng kết hôn, họ đã có con với người khác, hoặc cũng có trường hợp con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng là do người vợ đã có thai trước đó với người khác hoặc do Tòa án xác định người chồng là cha của con do người phụ nữ khác sinh ra.

2. Con riêng được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế trong trường hợp nào?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

2.1. Thừa kế di sản theo di chúc

Đối với thừa kế theo di chúc, theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Theo đó, cha dượng, mẹ kế có quyền chỉ định con riêng là người thừa kế và được hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản theo ý chí của họ và được thể hiện trong nội dung của di chúc.

2.2. Thừa kế theo pháp luật

Trong trường hợp người để lại di sản không lập di chúc hoặc lập nhưng di chúc không hợp pháp thì quyền thừa kế của con riêng được định đoạt theo quy định của pháp luật.

Thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Có thể thấy, con riêng tuy không thuộc các hàng thừa kế để được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng theo quy định tại Điều 654 thì: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”.

Cụ thể, con riêng với cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì người con riêng đó vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật của nhau (ở hàng thừa kế thứ nhất) và con của người con riêng đó còn được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 trong trường hợp người con riêng đó chết trước cha dượng, mẹ kế.

Quan hệ chăm sóc, phụng dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế không được Bộ luật dân sự quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 79 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền và nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc chồng thì:

“1. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 69, 71 và 72 của Luật này.

2. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này.”

Đây được xem là căn cứ để chứng minh quan hệ chăm sóc, phụng dưỡng giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế.

2.3. Trường hợp cha dượng, mẹ kế và con riêng nhận nhau là con nuôi, cha mẹ nuôi

Trong trường hợp cha dượng, mẹ kế và con riêng nhận nhau là con nuôi, cha mẹ nuôi thì việc chia di sản thừa kế sẽ được thực hiện như chia di sản đối với con nuôi và cha mẹ nuôi. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Lúc này, mặc nhiên con riêng trở thành người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật (con nuôi) và con riêng cũng chính là con nuôi được hưởng di sản từ cha dượng, mẹ kế (cha nuôi, mẹ nuôi) theo pháp luật.

3. Những trường hợp nào con riêng không được hưởng di sản thừa kế?

Những trường hợp con riêng không được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế – Hình minh họa

3.1. Thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

+ Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

+ Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

+ Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, nếu con riêng thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 và người để lại di sản đã biết hành vi của người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn được hưởng di sản.

3.2. Từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015

Căn cứ quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người khác.

Điều kiện để từ chối nhận di sản có hiệu lực:

+ Việc từ chối nhận di sản không thuộc trường hợp nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;

+ Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết;

+ Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản

Nếu đã từ chối nhận di sản thì đồng nghĩa với việc người từ chối sẽ không còn được hưởng di sản trong cả hai hình thức thừa kế là theo di chúc và theo pháp luật.

3.3. Bị cha dượng, mẹ kế truất quyền thừa kế

Truất quyền thừa kế được đề cập tại Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó:

“Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

…”

Như vậy, truất quyền thừa kế là việc cha dượng, mẹ kế không muốn để lại phần tài sản của mình cho con riêng và ý chí này được ghi vào di chúc hợp pháp. Đồng nghĩa với đó là con riêng – người bị truất quyền thừa kế sẽ không được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.

4. Căn cứ pháp lý

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về Con riêng có được hưởng di sản thừa kế của cha dượng, mẹ kế không? Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Quý khách vui lòng liên hệ Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

                                                                             Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!

Bài viết liên quan

089 661 6767