Chấm dứt hoạt động chi nhánh là một trong những phương án mà doanh nghiệp lựa chọn khi chi nhánh hoạt động không còn hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chính vì thế từ năm 2019 đến nay ghi nhận số lượng lớn hồ sơ giải quyết chấm dứt hoạt động của chi nhánh. Vậy hồ sơ, thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh bao gồm những gì? Trình tự giải quyết như thế nào? Cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ và thời hạn bao lâu? Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ trực tiếp giải đáp mọi thắc mắc mà Qúy bạn đọc đang theo dõi thông qua nội dung bài viết dưới đây:
MỤC LỤC NỘI DUNG BÀI VIẾT:
1. Khái niệm chi nhánh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 84 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.
Theo đó, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân. Chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Chấm dứt hoạt động chi nhánh
Theo quy định tại khoản 1 Điều 213 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì “Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động theo quyết định của chính doanh nghiệp đó hoặc theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Theo đó, chi nhánh sẽ chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau:
Một là, theo quyết định của chính doanh nghiệp. Vì một số lý do dẫn đến việc kinh doanh gặp phải nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn thu hẹp quy mô nhằm duy trì nguồn vốn hoạt động. Do đó, doanh nghiệp quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Hai là, theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này được quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh là giả mạo;
– Chi nhánh ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Phòng Đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế;
– Theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp, dù chấm dứt hoạt động chi nhánh theo trường hợp nào nêu trên thì doanh nghiệp đó cũng phải hoàn tất tất cả các nghĩa vụ của mình đối với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 213 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động còn phải chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ, thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh
3.1. Hồ sơ chấm dứt hoạt động của chi nhánh
Theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp thì hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh phải bao gồm các văn bản sau:
– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh theo mẫu tại Phụ lục II-20 kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
– Bản chính nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần; Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh;
– Văn bản ủy quyền cho người đại diện thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh (Không bắt buộc phải công chứng, chứng thực) (Bản chính);
– Giấy tờ pháp lý của bên nhận ủy quyền thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh (Bản sao).
* Lưu ý:
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp, thì giấy tờ pháp lý cá nhân trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm:
– Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
– Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.
– Trường hợp ủy quyền cho cá nhân: Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
– Trường hợp ủy quyền cho tổ chức: Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
– Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích: Hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh phải có bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

3.2. Trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh
Theo quy định tại Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp, thì trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh được thực hiện thông qua các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục đối với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
– Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh;
Bước 2: Nộp hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đang hoạt động. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong các phương thức sau để nộp hồ sơ:
– Nộp trực tiếp:
Doanh nghiệp nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đang hoạt động. Doanh nghiệp sẽ đóng lệ phí và nhận Giấy biên nhận trực tiếp.
– Nộp thông qua mạng điện tử sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh theo quy định tại Điều 45 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp:
Sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Nộp thông qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số theo quy định tại Điều 44 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp:
Người nộp hồ sơ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Nộp thông qua dịch vụ bưu chính:
Doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ (có báo phát) thông qua đường bưu điện (gần nhất) đến địa chỉ Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh hoạt động.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động của chi nhánh, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của chi nhánh đến Phòng đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Nhận kết quả
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chấm dứt hoạt động của chi nhánh, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện chấm dứt hoạt động của chi nhánh nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh.
4. Dịch vụ thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh tại Công ty Luật Quốc tế DSP
Công ty Luật Quốc tế DSP có kinh nghiệm trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên làm việc tận tâm, tỉ mỉ, chỉn chu và chuyên nghiệp. Công ty luôn sẵn sàng tư vấn và đưa ra các lựa chọn tiện ích, hợp lý nhất đến với Quý khách hàng để tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Các dịch vụ tại Công ty Luật Quốc tế DSP khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh cho doanh nghiệp cụ thể như sau:
– Tư vấn toàn bộ thủ tục pháp lý nhanh qua điện thoại hoặc trực tiếp cho doanh nghiệp.
– Nhận ủy quyền thực hiện toàn bộ thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp.
– Thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế để hoàn tất nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
– Nộp hồ sơ hủy con dấu chi nhánh (nếu có).
– Soạn thảo các văn bản có liên quan và chuẩn bị bộ hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp.
– Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp.
– Nhận kết quả và thông báo đến doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp ở xa hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn dịch vụ của Công ty Luật Quốc tế DSP bởi phương thức thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh hiện nay rất đa dạng, Công ty có thể hỗ trợ doanh nghiệp từ xa, thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh thông qua mạng điện tử một cách nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian, công sức của Quý khách hàng.
5. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Doanh nghiệp năm 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về Đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021 Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh. Để hiểu rõ hơn về những quy định trên cũng như những vấn đề liên quan đến thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh, Quý bạn đọc vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:
Điện thoại: 0236 222 55 88
Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728
Email: info@dsplawfirm.vn
Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn
Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA
Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!