Trong Công ty Cổ phần, việc chuyển nhượng cổ phần là một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, điều này tạo ra sự năng động, linh hoạt về vốn, giúp cho nguồn vốn có thể được luân chuyển, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có thể thay đổi, điều chỉnh mục tiêu của mình dễ dàng nhưng vẫn giữ được tính ổn định về tài sản của doanh nghiệp. Vậy cổ phần là gì? Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần được thực hiện như thế nào? Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
MỤC LỤC NỘI DUNG BÀI VIẾT:
1. Cổ phần là gì?
Khái niệm cổ phần được quy định rõ trong phần vốn điều lệ của Công ty Cổ phần tại điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020 như sau: “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”.
Căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu rằng:
– Cổ phần là đơn vị nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ của Công ty thành các phần bằng nhau.
– Cổ phần là căn cứ chứng minh tư cách cổ đông của Công ty. Mỗi cổ đông sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau tùy thuộc vào loại cổ phần và tỉ lệ cổ phần mà họ nắm giữ.
Ví dụ: Công ty Cổ phần A có vốn điều lệ là 1.000.000.000 VNĐ (một tỷ đồng Việt Nam). Số vốn đó được chia thành 100.000 phần bằng nhau, mỗi phần có giá trị 10.000 VNĐ (mười nghìn đồng Việt Nam) được gọi là một cổ phần.
Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2020, có 2 loại cổ phần chính đó là:
– Cổ phần phổ thông; và
– Cổ phần ưu đãi bao gồm các loại: Cổ phần ưu đãi cổ tức; Cổ phần ưu đãi hoàn lại; Cổ phần ưu đãi biểu quyết và cổ phần ưu đãi khác theo quy định của Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
2. Quy định về chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần
2.1. Chuyển nhượng cổ phần là gì?
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn chưa quy định rõ khái niệm về chuyển nhượng cổ phần. Tuy nhiên, dựa trên thực tiễn và các quy định của pháp luật có liên quan, có thể hiểu chuyển nhượng cổ phần là việc cổ đông góp vốn trong Công ty Cổ phần chuyển quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình đang nắm giữ cho cá nhân, tổ chức hay cổ đông khác và bên nhận chuyển nhượng cổ phần phải thanh toán cho bên chuyển nhượng cổ phần.
2.2. Nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cổ đông của Công ty Cổ phần có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cũng có các hạn chế sau:
– Thứ nhất, căn cứ khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Công ty Cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
Tuy nhiên, những hạn chế này sẽ không áp dụng đối với cổ phần phổ thông mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần phổ thông đã được chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập căn cứ theo khoản 4 Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Như vậy, sau 03 năm kể từ ngày Công ty Cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các hạn chế đối với Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ, cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho các cổ đông khác trong Công ty hoặc cá nhân, tổ chức khác mà không bị ràng buộc bởi quy định của pháp luật.
– Thứ hai, căn cứ khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì trường hợp Điều lệ Công ty có quy định hạn chế về việc chuyển nhượng cổ phần và được thể hiện cụ thể trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng, thì việc chuyển nhượng cổ phần buộc phải tuân thủ theo các điều kiện được ghi nhận trong cổ phiếu.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được quyền tự do chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, việc chuyển nhượng cổ phần này được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
Pháp luật đặt ra các trường hợp hạn chế về chuyển nhượng cổ phần nhằm điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và bảo vệ lợi ích cho cổ đông, cá nhân, tổ chức mua lại cổ phần sau đó. Bởi lẽ, việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần làm cơ sở để công ty phát triển ổn định, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh và vận hành trước khi mở cửa tự do cho cá nhân, tổ chức tham gia vào quản lý Công ty.
2.3. Các phương thức chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần được thực hiện dưới 02 hình thức:
– Thứ nhất, Chuyển nhượng cổ phần thông qua hợp đồng.
Hình thức chuyển nhượng này được xác lập thông qua giao dịch dân sự về mua, bán cổ phần. Vì thế, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có thể bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký.
– Thứ hai, Chuyển nhượng cổ phần thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoáng.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần này phải tuân theo quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, khi cổ đông muốn chuyển nhượng cổ phần thông qua đơn vị phát hành chứng khoáng thì phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán Nhà nước trước khi chào bán cổ phần ra thị trường.
2.4. Thời điểm trở thành cổ đông công ty sau khi chuyển nhượng cổ phần
Theo quy định tại khoản 6 Điều 127 Luật Doanh nghiệp năm 2020, thời điểm để cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trở thành cổ đông của công ty là khi các thông tin của cá nhân, tổ chức đó được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông, bao gồm:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
– Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
– Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
– Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu thay đổi, Công ty Cổ phần phải đăng ký thay đổi thông tin cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo quy định tại Điều lệ công ty.
3. Hồ sơ và trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần
3.1. Thành phần hồ sơ
Căn cứ theo Điều lệ công ty của Công ty Cổ phần mà thành phần hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ. Theo đó, thông thường hồ sơ sẽ bao gồm:
– Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;
– Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển nhượng cổ phần;
(Trong thường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải là cổ đông sáng lập trong vòng 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Điều lệ công ty có quy định)
– Danh sách cổ động sáng lập Công ty Cổ phần;
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
– Biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
– Điều lệ công ty (Sửa đổi, bổ sung);
– Giấy chứng nhận cổ phần của các cổ đông trong công ty;
– Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần;
– Sổ đăng ký cổ đông.
3.2. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần
Căn cứ khoản 2 Điều 57 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, thì việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện trong nội bộ Công ty và không cần làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư, trừ trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua của công ty. Như vậy, thông thường trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần có thể được thực hiện theo phương thức sau:
Bước 1: Tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để ra Quyết định về việc chuyển nhượng cổ phần (Trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải là cổ đông sáng lập trong vòng 03 năm kể từ ngày con ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Điều lệ công ty có quy định).
Bước 2: Bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Bước 3: Tiến hành lập biên bản và ký biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng.
Bước 4: Chỉnh sửa, bổ sung thông tin của cổ đông mới vào Sổ đăng ký cổ đông của Công ty Cổ phần.
Bước 5: Nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân sau khi chuyển nhượng cổ phần.
– Căn cứ khoản 3 Điều 13 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, cổ đông chuyển nhượng cổ phần có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho phần cổ phần đã chuyển nhượng;
– Căn cứ khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế chuyển nhượng cổ phần là trong vòng 10 ngày kể từ ngày chuyển nhượng;
– Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế năm 2019, nộp hồ sơ kê khai thuế và đóng thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng cổ phần tại Cơ quan Quản lý thuế.
Như vậy, thông qua quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần, pháp luật không chỉ quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hay cổ đông khác khi nhận chuyển nhượng cổ phần mà còn giúp cho công ty có thể cân bằng về nguồn vốn cũng như đảm bảo tài sản được ổn định.
4. Một số vấn đề cần lưu ý
– Khi chuyển nhượng cổ phần với mức giá 0 đồng, bên chuyển nhượng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất là 10%.
Bởi hợp đồng chuyển nhượng này được xem là hợp đồng tặng cho tài sản nên thu nhập để tính thuế với mức giá chuyển nhượng 0 đồng được căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu phần vốn góp (căn cứ theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
– Giá chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định về giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
5. Căn cứ pháp lý
– Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư 111/2013/TT-BTC về Hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là bài viết của Công ty Luật Quốc tế DSP về Cổ phần và Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty Cổ phần. Nếu còn thắc mắc về vấn đề liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:
Điện thoại: 0236 222 55 88
Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728
Email: info@dsplawfirm.vn
Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn
Miền Trung: 87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam
Miền Nam: Tầng 2, Toà nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hoa Kỳ: 9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA
Rất mong được hợp tác cùng Quý khách hàng!